Toàn cảnh thành phố Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao. Ảnh: TH
Đây là thành phố Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk.
Từ ngày hôm nay (1/7/2025), Việt Nam sẽ áp dụng mô hình chính quyền hai cấp, bao gồm tỉnh và xã, với tổng cộng 34 tỉnh thành và 3.321 xã trên toàn quốc.
Điều này có nghĩa là 696 đơn vị hành chính cấp huyện trên toàn quốc sẽ chính thức dừng hoạt động. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 85 thành phố trực thuộc tỉnh và 2 thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương sẽ ngừng hoạt động.
Trong số 85 thành phố trực thuộc tỉnh, có thành phố Buôn Ma Thuột. Đây là thành phố nổi bật với 17 tên gọi khác nhau, và cũng là một trong những thành phố có nhiều tên nhất trên thế giới. Trên con đường phát triển, Buôn Ma Thuột đã khẳng định vị thế của mình như một động lực kinh tế chủ lực, trung tâm văn hóa – giáo dục – dịch vụ, đồng thời là điểm đến du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Nguyên, thu hút đông đảo du khách.
Trước đây, thành phố Buôn Ma Thuột có 11 phường và 8 xã. Sau khi sáp nhập (từ 1/7), thành phố sẽ có 5 phường, bao gồm: Buôn Ma Thuột, Tân An, Tân Lập, Thành Nhất, Ea Kao và xã Hòa Phú.
Thành phố với nhiều tên gọi nhất Việt Nam
Khu vực ngã sáu của Buôn Ma Thuột. Ảnh: HT
Theo thống kê, Buôn Ma Thuột có đến 17 cách gọi khác nhau. Khi mới được thành lập, người dân đã đặt tên cho nơi này là Ban Mê Thuot, sau đó dần dần đọc thành Ban Mê Thuột. Sau năm 1975, tên gọi chính thức được đổi thành Buôn Ma Thuột. Ngoài ra, người dân nơi đây còn sử dụng nhiều cách gọi khác như: Bản Mế Thuột, Bản Mế Thuật, Buôn Ma Thuộc, Buôn Ma Thuật, Ban Mê Thuộc, Ban Mê Thuật…
Dù có nhiều tên gọi, nhưng tên gọi chính thức và được công nhận duy nhất là Buôn Ma Thuột. Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử của thành phố, tên gọi này được đặt theo tên của một vị tù trưởng người Ê Đê: Buôn Ama Y Thuot. Trong đó, Ama là tên của cha và Y Thuot chỉ người con trai tên Thuột. Buôn có nghĩa là buôn làng, tương đương với phường trong hệ thống hành chính.
Vị tù trưởng này đã có công lập ra buôn làng đầu tiên bên bờ suối Ea Tam. Sau này, buôn làng này phát triển thành một khu vực lớn và đến đầu thế kỷ 20 đã trở thành trung tâm của cả vùng. Ngày nay, Buôn Ma Thuột đã trở thành một thành phố quan trọng của Việt Nam và khu vực Tây Nguyên. Ngày 8/2/2010, thành phố Buôn Ma Thuột được công nhận là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Đắk Lắk.
Buôn Ma Thuột có nhiều tên gọi khác nhau. Ảnh minh họa
Trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam lần đầu tiên vượt 5 tỷ USD, khẳng định vị thế là nhà cung cấp cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Trong đó, Đắk Lắk đóng góp khoảng 18% kim ngạch xuất khẩu, với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” có mặt ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo Tổ chức Cà phê thế giới, nhu cầu về cà phê Robusta đang ngày càng tăng do chất lượng thơm ngon, tính bền vững và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, Robusta được xem là “tương lai của ngành cà phê”. Buôn Ma Thuột, được mệnh danh là “quê hương hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới”, cũng là “trái tim của nền văn hóa cà phê Việt Nam”, đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển này.
Buôn Ma Thuột được coi là “quê hương hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới”. Ảnh: TH
Trong 20 năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá văn hóa cà phê, mở đường cho sự hình thành và phát triển của 9 kỳ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột. Đồng thời, tỉnh cũng liên tục tổ chức các chương trình hội thảo, hội nghị về phát triển cà phê bền vững với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà văn hóa, chính khách lớn từ nhiều quốc gia, nhằm xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ cà phê thế giới.
Không chỉ nổi tiếng với cà phê, Buôn Ma Thuột còn là một trong những điểm đến du lịch đặc sắc nhất Tây Nguyên, với hệ sinh thái rừng nguyên sinh phong phú, địa hình cao nguyên đa dạng và khí hậu mát mẻ quanh năm.
Buôn Ma Thuột là cửa ngõ kết nối tới nhiều danh thắng nổi tiếng như: Cụm thác Dray Nur – Dray Sáp với cảnh quan hùng vĩ; Hồ Lắk thơ mộng; Buôn Đôn, nơi gắn liền với truyền thống săn voi và nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên.
Đặc biệt, nơi đây còn có Bảo tàng Thế giới Cà phê, với kiến trúc độc đáo và nội dung trưng bày phong phú, đã thu hút hàng chục nghìn lượt du khách trong và ngoài nước mỗi năm.