Câu hỏi từ phụ huynh: Tôi là một phụ huynh có con tham gia trại hè tại một cơ sở nổi tiếng, chương trình kéo dài 4 ngày 3 đêm tại tỉnh T.N. Khi tìm hiểu thông tin trước khi đăng ký, tôi không hề được thông báo về việc không được liên lạc với con, mà chỉ được biết rằng sau mỗi ngày hoạt động, tôi có thể trò chuyện với con qua điện thoại của các hỗ trợ viên.
Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy. Qua hình ảnh của con, tôi thấy con có vẻ buồn và lo lắng, vì vậy tôi đã yêu cầu được nói chuyện với con để hỏi thăm và động viên, nhưng yêu cầu của tôi đã bị từ chối. Khi tôi phản ánh, tôi còn bị người đại diện của trại hè xúc phạm và thách thức kiện ra pháp luật. Vậy việc ngăn cản phụ huynh liên lạc với con như vậy có vi phạm pháp luật không?
Luật sư trả lời:
Trại hè là gì và quy định về nội quy trại hè?
Trại hè là một khái niệm không còn xa lạ, thường được tổ chức trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, khi các em nhỏ bước vào kỳ nghỉ hè. Đây là những chương trình ngắn hạn, kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, nhằm mang lại cho trẻ em những trải nghiệm thú vị và bổ ích.
Trại hè trải nghiệm hiện nay đang trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều phụ huynh, thay thế cho các hình thức học hè truyền thống. Mặc dù chi phí có thể cao hơn, nhưng những lợi ích mà trại hè mang lại rất đa dạng, từ phát triển kỹ năng sống, tư duy, đến khả năng tự lập và làm việc nhóm. Tuy nhiên, mỗi trại hè đều có nội quy riêng, và những quy định này cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn pháp luật và đạo đức xã hội, nhằm bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho trẻ em.
Việc ngăn cản liên lạc giữa cha mẹ và con cái có vi phạm pháp luật không?
Việc duy trì liên lạc giữa cha mẹ và con cái là rất quan trọng, đặc biệt là đối với trẻ em còn nhỏ, chưa có đủ kỹ năng sống và khả năng tự bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, nhiều trại hè hiện nay lại áp dụng quy định cấm trại sinh liên lạc với cha mẹ trong suốt thời gian tham gia. Điều này đặt ra câu hỏi liệu quy định này có hợp pháp hay không, và phụ huynh cần phải biết để bảo vệ quyền lợi của con cái.
Cha mẹ có quyền giám hộ và đại diện cho con cái, có nghĩa vụ chăm sóc và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của trẻ em. Quyền liên lạc với con cái luôn được pháp luật bảo vệ, và đối với trẻ em, quyền này càng được nhấn mạnh trong Luật bảo vệ trẻ em. Theo đó, trẻ em không được cách ly với cha mẹ, và việc duy trì liên lạc là cần thiết, trừ khi điều đó không đảm bảo an toàn cho trẻ.
Khi đã ký cam kết “không liên lạc”, cha mẹ có thể bị từ chối liên lạc với con không?
Nhiều phụ huynh đã phản ánh rằng một số trại hè không thông báo rõ ràng về quy định “không được liên lạc với cha mẹ”, hoặc cố tình tư vấn không đầy đủ. Một số trại hè thậm chí yêu cầu phụ huynh ký cam kết về việc này. Tuy nhiên, việc ký cam kết không có nghĩa là cha mẹ mất quyền liên lạc với con cái. Nội quy của trại hè không phải là văn bản pháp luật, và cha mẹ hoàn toàn có quyền yêu cầu liên lạc với con khi cần thiết.
Việc không liên lạc với con trong thời gian tham gia trại hè chỉ nên xuất phát từ sự tự nguyện và tin tưởng vào chương trình. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu nghi ngờ về sự an toàn của trẻ, cha mẹ có quyền nắm bắt thông tin để bảo vệ con.
Ai có quyền hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên?
Theo quy định của pháp luật, chỉ có Tòa án mới có quyền hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên trong những trường hợp cụ thể. Các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể yêu cầu Tòa án xem xét việc này nếu phát hiện cha mẹ có hành vi vi phạm quy định pháp luật.
Như vậy, khi cha mẹ chưa bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền, không ai có quyền cản trở việc cha mẹ thực hiện quyền của mình đối với con cái. Mọi hành vi ngăn cản liên lạc giữa cha mẹ và con cái đều cần được xem xét và lên án, vì đó là vi phạm pháp luật và quyền con người.
Trang Đào