– “Con hãy ăn nhiều cá để tốt cho não nhé!”;
– “Tại sao điểm Toán lại thấp như vậy? Con có chú ý nghe giảng không?”;
– “Ăn xong rồi hãy nói chuyện!”…
Những câu nói quen thuộc này thường xuất hiện trong bữa cơm của nhiều gia đình. Tuy nhiên, chính những lời nói tưởng chừng như vô hại này lại biến bữa ăn – thời điểm lý tưởng để gắn kết và chia sẻ – trở thành một không gian đầy căng thẳng và áp lực cho trẻ nhỏ.
Chẳng hạn, trong một gia đình có điều kiện kinh tế tốt, mâm cơm luôn đầy ắp món ngon. Nhưng cậu con trai của họ – một cậu bé gầy gò, nhút nhát, thường bị bạn bè trêu chọc – luôn cúi đầu ăn vội vàng, không dám chọn món nào. Khi chứng kiến không khí căng thẳng tại bàn ăn, người ta mới nhận ra rằng nỗi buồn lớn nhất của trẻ không phải do thiếu thốn vật chất, mà chính là áp lực tinh thần trong những bữa cơm.
Áp lực vô hình từ bữa ăn gia đình
Một nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy, có đến 73% trẻ em cảm thấy sợ hãi nhất vào giờ ăn – thời điểm mà các em dễ bị chỉ trích về kết quả học tập hay hành vi. Một số liệu khác từ các bệnh viện cũng cho thấy: trẻ thường xuyên bị mắng trong bữa ăn có nguy cơ mắc các vấn đề về tiêu hóa cao hơn 2,3 lần so với những trẻ khác. Khi bị căng thẳng, trẻ thường nuốt nhanh để kết thúc bữa ăn, nhưng dạ dày lại không kịp tiêu hóa, dẫn đến các vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng.
Ảnh minh họa
Không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng những tổn thương tâm lý có thể kéo dài. Một nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Giáo dục Bắc Kinh cho thấy trẻ thường xuyên bị giáo huấn trong bữa ăn có tỷ lệ “biếng ăn tâm lý” cao gấp ba lần so với trẻ trong các gia đình có không khí bàn ăn tích cực. Đối với nhiều em, mỗi khi bị nhắc đến điểm số, cơm trong bát trở nên khó nuốt như đá. Cảm giác bị giám sát và chỉ trích khiến trẻ hình thành phản xạ tiêu cực: ăn cơm gắn liền với căng thẳng và sợ hãi.
Thí nghiệm tại một trường đại học ở Hoa Kỳ cho thấy: trẻ được nghe những câu chuyện vui trong bữa ăn có hiệu suất hoạt động trí não cao hơn so với nhóm trẻ nghe những bài giảng đạo lý. Não bộ cần sự thư giãn để phục hồi và hoạt động hiệu quả – điều này không thể đạt được nếu bữa ăn trở thành “giờ kiểm điểm” kéo dài.
Nhiều phụ huynh thường tận dụng bữa cơm để dạy dỗ con cái do thiếu thời gian trong ngày. Tuy nhiên, những lời nhắc nhở lặp đi lặp lại trong bữa ăn thường không mang lại hiệu quả như mong đợi. Nguyên nhân là trẻ chỉ tiếp nhận cảm giác bị trách móc, mà không hiểu cách sửa sai. Kết quả là vừa ảnh hưởng đến tâm lý, vừa tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái.
Biến bữa ăn thành khoảng thời gian tích cực
Bữa cơm gia đình là không gian đặc biệt – nơi mọi thành viên có thể tạm rời công việc và học hành để kết nối với nhau. Chỉ cần một thay đổi nhỏ cũng có thể giúp không khí trở nên tích cực hơn.
Thay vì trách mắng, cha mẹ có thể khơi gợi sự chú ý vào món ăn: “Hôm nay có loại gạo mới, thử xem có vị gì khác biệt không?”. Thay vì chỉ trích điểm số, có thể hỏi một cách gợi mở: “Hôm nay ở trường có chuyện gì vui không?”.
Nhiều gia đình còn sử dụng cách giao tiếp thông qua màu sắc của đũa: màu vàng tượng trưng cho niềm vui, màu xanh dương là dấu hiệu cần chia sẻ, màu xanh lá nghĩa là muốn được yên tĩnh. Những tín hiệu đơn giản nhưng rõ ràng này giúp trẻ dễ dàng bày tỏ cảm xúc mà không cần lời nói, đồng thời giúp cha mẹ hiểu con hơn.
Bữa cơm không chỉ là lúc nạp năng lượng mà còn là dịp để chữa lành. Khi trưởng thành, điều đọng lại trong ký ức của trẻ không phải là những lời quở trách, mà là hương vị của những món ăn, tiếng cười và sự ấm áp trong gia đình – những điều nhỏ bé nhưng đủ sức giữ lại ký ức về một mái nhà hạnh phúc.