Tình yêu, dù là trong giới giải trí hay cuộc sống hàng ngày, thường được giấu kín và được gọi là “tình trong bóng tối”. Thú vị thay, khi mối quan hệ tan vỡ, mọi bí mật lại được phơi bày một cách rầm rộ. Không cần đến paparazzi hay tin đồn từ bên ngoài, chính những người trong cuộc lại tự tay công khai mọi chuyện qua những bài đăng vào lúc nửa đêm.
Nội dung chính
Thường thì, những drama tình cảm sẽ bùng nổ vào những giờ không ai ngờ tới. Cả hai bên đều tự cho mình là nạn nhân, kéo theo sự tham gia của cộng đồng mạng vào cuộc chiến tranh luận để phân định đúng sai, thậm chí còn đào sâu vào những lỗi lầm của nhau.
Và mọi thứ diễn ra theo một quy trình đã được định hình từ trước.
Khởi đầu cho mọi drama!
Những mối tình bí mật thường đi kèm với lời dặn “đừng để ai biết, để mọi thứ được yên ổn”. Nhưng thực tế, càng giấu kín, khi chia tay lại càng ồn ào. Người trong cuộc thường chọn cách căng thẳng nhất: công khai mọi bí mật riêng tư lên mạng xã hội.
Yêu và chia tay là điều bình thường. Tuy nhiên, trong một mối quan hệ không công khai, đặc biệt khi có sự xuất hiện của người thứ ba, cảm xúc thường bị kéo căng hơn bao giờ hết. Khi mâu thuẫn đạt đến đỉnh điểm, tâm lý chung sẽ là: Ai sẽ bù đắp cho những tháng ngày yêu thương âm thầm mà tôi đã hy sinh? Ai biết tôi đã đánh đổi những gì cho mối quan hệ này? Ai hiểu tôi đã tổn thương ra sao?…
Và thế là, một trong hai người từng có mối quan hệ bí mật sẽ muốn phơi bày tất cả để đòi lại công bằng cho chính mình.
Việc giấu kín giờ đây không còn giá trị, nhường chỗ cho những màn “bóc phốt” đầy kịch tính. Tất cả những uất ức, dồn nén từ những ngày yêu không công khai bỗng chốc bùng nổ. Đó là cách để “trả đũa” đối phương và tự giải thoát cho bản thân.
Chỉ cần một bài đăng mập mờ, drama đã đủ bùng nổ…
Những màn “bóc phốt” tình cảm thường diễn ra vào khung giờ từ nửa đêm đến rạng sáng. Nghiên cứu cho thấy, sau 12h đêm, khi não bộ thiếu nghỉ ngơi, con người dễ rơi vào trạng thái tiêu cực, cô đơn và buồn bã. Đây cũng là thời điểm tâm lý dễ bộc phát, cộng thêm mạng xã hội đang “yên ắng”, trở thành thời điểm lý tưởng để tung ra bài “bóc phốt”.
Chỉ một bài đăng bóng gió, ẩn ý cũng có thể thổi bùng drama (Ảnh minh hoạ)
Một story mập mờ hay caption không rõ ràng có thể khiến sáng hôm sau, cả mạng xã hội ngập tràn tin tức. Thậm chí, người trong cuộc không cần lên tiếng, hội bạn thân đã thay mặt “bóng gió” tung bằng chứng, khui ra clip quay lén rõ ràng để “luận tội” kẻ được cho là phản bội trong mối quan hệ. Những “nguồn tin từ người thân” này nhiều vô kể, thậm chí còn chi tiết và cặn kẽ hơn cả bài “bóc” của chính thất.
Có người còn chơi lớn, không úp mở mà thẳng tay “var”: Đăng bằng chứng tố nửa kia công khai ảnh yêu đương từng giấu kín để tăng độ tin cậy. Kết quả? Mạng xã hội nổ tung không cần báo trước.
Cư dân mạng như đổ thêm dầu vào lửa, drama lan rộng như cháy rừng
Khi bài “bóc phốt” được đăng tải, tốc độ lan truyền nhanh đến mức không thể kiểm soát. Dù có gỡ bài ngay lập tức, dân tình đã kịp chụp màn hình, chia sẻ rầm rộ và bình luận sôi nổi. Các bài phân tích chi tiết, lật ngược lật xuôi câu chuyện mọc lên như nấm trên khắp nền tảng. Danh tính người bóc phốt và người bị phốt sớm bị lộ.
Cộng đồng mạng nhanh chóng đào bới quá khứ, “lật mặt bóc face” nhanh như chớp, soi từng tương tác xa xưa, thậm chí dựng timeline yêu đương chi tiết để “phân định” lỗi lầm.
Chuyện riêng tư ban đầu chỉ là một bài than thở, giờ bùng thành drama lan từ group kín sang TikTok, Threads. Netizen, với tâm lý “hóng biến”, không quan tâm bạn là ai (nhưng nếu bạn là người nổi tiếng thì càng “khủng khiếp” hơn nữa) sẽ luôn đẩy mọi thứ đi xa, kéo hàng triệu người lao vào như ong vỡ tổ.
Drama càng ồn ào, càng mập mờ, càng thu hút. Meme, video, bình luận liên tục nổ ra; người tranh thủ bàn luận vì đề tài hot, người sợ “tối cổ” cũng phải hóng cho bằng được. Lượng thông tin ngày càng phình to, đẩy drama lên đỉnh điểm.
Netizen liên tục bàn tán, chấm hóng thậm chí công kích những người trong cuộc khiến ai cũng nhận về tổn thương sau drama (Ảnh minh hoạ)
Cuối cùng, điều gì sẽ xảy ra?
Khi drama vượt tầm kiểm soát, người bị réo tên buộc phải có phản ứng. Có người chọn im lặng, khóa bình luận, “bốc hơi” khỏi mạng xã hội để tránh búa rìu dư luận. Có người phản pháo bằng bài đính chính dài dằng dặc, kèm bằng chứng ngược để chứng minh mình mới là nạn nhân. Một số khác “tố ngược”, lôi bí mật của đối phương ra, biến drama thành màn đấu tố công khai.
Nhớ chuyện một ca sĩ nữ từng yêu kín tiếng, phát hiện bị “cắm sừng”, đăng story ẩn ý rồi livestream đối chất. Nửa kia liên tục thanh minh, thậm chí dùng biện pháp mạnh để bảo vệ danh dự. Nhưng drama không dừng lại ở đó, mà thành mớ hỗn loạn, kéo theo cả những bí mật khác và lôi thêm người ngoài cuộc vào. Netizen chia phe, tranh cãi kịch liệt, thức đêm thức hôm để “hóng” một chuyện trên trời rơi xuống.
Người im lặng thì bị gọi là “hến vương”, người lên tiếng thì bị gọi là “tâm cơ”. Dù chọn cách nào, người trong cuộc cũng khó thoát khỏi “lưới công kích” từ netizen.
Từ một chuyện tình kín tiếng với mục đích bảo vệ sự riêng tư, giờ trở nên ồn ào theo cách không ai kiểm soát được. Sau 1 phút xả cơn giận, tất cả đều nếm đau thương, còn drama thì không bao giờ kết thúc.
Có thể một lúc nào đó, mọi chuyện sẽ lắng lại, một scandal khác nổ ra nhưng không đồng nghĩa netizen sẽ quên những gì đã diễn ra này. Chỉ cần một thông tin mới được phát hiện như ai đó lên tiếng, lộ diện thêm bằng chứng,… drama ngay lập tức bùng nổ trở lại như chưa từng “ngủ yên” hoặc muốn yên cũng không được nữa.
Bởi vậy, “bóc phốt” không phải là cách để chấm dứt, mà lại chính là nút bắt đầu cho những rắc rối.