Trong thời gian gần đây, bộ môn pickleball đã trở thành tâm điểm chú ý trên các nền tảng mạng xã hội. Không chỉ thu hút người chơi bởi tính giải trí, mà còn bởi những câu chuyện hài hước và drama xoay quanh nó. Đây là một môn thể thao kết nối mọi người, giúp nhiều người tìm thấy bạn bè mới, thậm chí là tình yêu sau những giờ phút chơi đùa trên sân.
“Chiều nay đi chơi pickleball về thì có một bạn nam ở sân bên cạnh nhắn tin cho mình”, một cô gái đã chia sẻ trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Nguồn: Mie Kim
Gần đây, một cô gái đã gây sốt trên Threads khi kể về việc nhận được tin nhắn từ một chàng trai ở sân bên cạnh ngay sau khi kết thúc buổi tập. Ban đầu, mọi người nghĩ đây là một câu chuyện tình yêu ngọt ngào, nhưng khi đọc đến những dòng cuối, mọi thứ trở nên thú vị hơn nhiều.
Chàng trai đã tìm kiếm thông tin của cô gái và nhắn tin với mục đích “nhắc nhở” cô cùng đội của mình giữ im lặng khi chơi, vì tiếng ồn quá lớn. “Nhắc đội bạn đánh dở thì la hét nhỏ thôi nhé. Nhức đầu vô cùng”, chàng trai đã viết. Dù không tiết lộ nội dung tin nhắn tiếp theo, nhưng nhiều người đoán rằng cô gái có thể đã cảm thấy bối rối khi nhận được lời nhắc nhở thẳng thừng như vậy.
Nội dung tin nhắn đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. “Được rồi, em mời đoàn mình di chuyển lên núi giúp em”, nhiều người đã bình luận hài hước về tình huống này, thể hiện sự đồng cảm với cô gái.
Không chỉ riêng pickleball, mà cả những người chơi bóng đá, bóng rổ cũng tham gia vào cuộc trò chuyện này, tạo nên không khí vui vẻ và hài hước trên mạng xã hội.
Nhiều người cũng đã chia sẻ những trải nghiệm tương tự. Nguồn: zen.lala
Không ít người đã thừa nhận rằng họ cũng từng rơi vào tình huống tương tự khi chơi thể thao tại các sân công cộng, nơi mà nhiều nhóm người thường xuyên chen chúc nhau trong những khung giờ đẹp.
Có người cũng đã chia sẻ rằng họ cảm thấy khó chịu khi ở sân tập chung, nhưng lại phải nghe những tiếng hò hét hoặc trò chuyện quá lớn từ các nhóm khác.
Cuộc tranh luận bắt đầu nổ ra khi cư dân mạng chia thành hai phe. Một số người cho rằng hành động của chàng trai là thiếu tế nhị, vì thay vì góp ý trực tiếp tại sân, anh ta lại tìm kiếm thông tin và nhắn tin riêng, điều này có thể khiến người nhận cảm thấy không thoải mái. “Đã vậy còn chê người ta đánh dở, sao biết như nào là dở, có phải thi đấu đâu, người ta chỉ đang tập thể thao mà thôi”, một người dùng mạng đã chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến bênh vực chàng trai, cho rằng “nếu không thật sự quá ồn thì liệu chàng trai có đến mức phải tìm kiếm thông tin để nhắn riêng?” Bởi lẽ, phần lớn mọi người thường chọn cách im lặng hoặc than thở kín đáo, chứ ít ai dám nhắn tin trực tiếp.
“Nếu một người thực sự thấy phiền đến mức phải chủ động liên hệ để góp ý, thì có lẽ đội bạn nên tự hỏi lại: liệu mình có đang làm phiền thật không?”, một người dùng mạng đã chia sẻ.
Cuộc tranh luận về việc “ồn ào ở sân” cũng phản ánh một thực tế rằng văn hóa ứng xử nơi công cộng vẫn luôn là một chủ đề cần được nhắc đến, ngay cả trong không gian thể thao.
Câu hỏi “Không lẽ chơi thể thao mà phải im lặng?” hay “Chơi thể thao nơi công cộng thì được quyền hò hét tới mức nào?” đang được nhiều người đặt ra sau khi bàn tán về câu chuyện này.
Nhiều ý kiến cho rằng việc hò hét, cổ vũ, ăn mừng… là điều tự nhiên khi tham gia thể thao. Tuy nhiên, sự tự nhiên đó cũng cần được đặt trong một giới hạn nhất định, đặc biệt là khi sân tập có đông nhóm chơi cùng lúc hoặc nằm trong khu dân cư.
Ngược lại, nhiều người cũng cho rằng cách góp ý của chàng trai có phần kém duyên, khi đem chuyện đánh dở hay đánh tốt ra phán xét. Cách làm này dễ khiến người nhận cảm thấy bị đánh giá cá nhân, hoặc hiểu lầm rằng mình đang bị chê bai hơn là được góp ý thiện chí.
“Không ai bắt bạn phải im thin thít như trong thư viện, nhưng cũng không nên ‘bung nóc’ như đang quẩy ở festival. Cái bạn nhắn tin nhắc nhở cũng nên tiết chế lại, chứ không lại thành vô duyên”, một bình luận của người dùng mạng đã thu hút nhiều sự chú ý.